Tuesday, July 30, 2013

Đăng ký nhà thầu nước ngoài nộp thay thuế nhà thầu - thủ tục gần đây tại Cục thuế Tp.HCM (năm 2013)

1) Chưa có mã số thuế Nhà thầu nước ngoài nộp thay thuế nhà thầu:
- Sử dụng mẫu 04.1-ĐK-TCT và mẫu bảng kê 04.1-ĐK-TCT-BK01 theo thông tư 80/2012/TT-BTC
- Nếu do nguyên nhân khách quan mà bạn đăng ký trễ hơn so với quy định, tốt nhất nên có công văn giải trình.
- Mang theo các hồ sơ cần thiết liên quan các nhà thầu liệt kê trong bảng kê BK01: photo Hợp đồng v.v..., tốt nhất nên có bản dịch tiếng việt nếu Hợp đồng chỉ có tiếng nước ngoài. (không cần công chứng, công ty có thể tự dịch). => hồ sơ chủ yếu để cán bộ thuế đối chiếu thông tin, xem xét hồ sơ vì thực tế là cán bộ thuế sau khi xem và nhận bản đăng ký đã trả lại các hồ sơ này.
- Lấy giấy hẹn để nhận thông báo mã số thuế nhà thầu nước ngoài nộp thay thuế nhà thầu.

2) Đã được cấp mã số thuế nhà thầu nước ngoài nộp thay thuế nhà thầu:
- Trường hợp bạn đã được cấp mã số thuế nhà thầu nước ngoài nộp thay thuế nhưng có phát sinh nhà thầu mới, theo hướng dẫn mình phải thông báo cho cục thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi phát sinh nhà thầu mới. Nhưng trong hướng dẫn thì không có biểu mẫu cụ thể cho trường hợp này, theo thực tế được hướng dẫn như sau:
+ Viết công văn với Nội dung ví dụ như "Đăng ký bổ sung nhà thầu nước ngoài nộp thay thuế nhà thầu"
+ Lập một bảng kê cung cấp một số nội dung liên quan nhà thầu đăng ký bổ sung. (có thể lấy mẫu bảng kê BK01)
+ Lập 2 bản: 1 bản nộp cục thuế, một bản để cục thuế đóng dấu đã đăng ký thuế lưu tại doanh nghiệp.
+ Tốt nhất nên mang sẵn các tài liệu hợp đồng photo dùng trong trường hợp cán bộ thuế có hỏi đến để xem thông tin => thường thì cán bộ thuế xem đối chiếu thông tin rồi trả lại, không lưu.

FREE ACCA F7 Study Notes

FREE ACCA F7 Study Notes

Wednesday, August 1, 2012

Văn phòng đại diện có được mở tài khoản ngân hàng?

Theo Nghị Định 100/2011/NĐ-CP "QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM", điều 9 về Mở tài khoản, thì văn phòng đại diện được phép mở tài khoản cho mục đích như sau:
"1. Văn phòng đại diện được mở tài khoản chuyên chi bằng ngoại tệ và tài khoản chuyên chi bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại Ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện."

Vậy nên các bạn đừng lo lắng về việc mở tài khoản cho văn phòng đại diện phục vụ cho hoạt động chi tiêu nữa nhé!

Chi tiết nghị định tham khảo tại đây: http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-100-2011-ND-CP-thanh-lap-va-hoat-dong-van-phong-dai-dien-vb131165t11.aspx

Wednesday, June 27, 2012

Hóa đơn bán lẻ & hạch toán chi phí

Trên thực tế của hoạt động doanh nghiệp, nhiều trường hợp thực sự không thể có được hóa đơn theo quy định của luật thuế, chỉ có hóa đơn bán lẻ, thậm chí nhiều lúc đến hóa đơn bán lẻ cũng chẳng có!!!

- Chi phí đã phát sinh thì phải hạch toán vì đó là chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên theo thông tư TT130/2008/BTC, mục IV- Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, khoản 2.4 thì bạn sẽ xác định xem cần bổ sung thêm thủ tục chứng từ nào trong trường hợp có thể được tính vào chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN. 
=> Chi phí mà bạn ghi nhận trong trường hợp không đáp ứng được điều kiện quy định để xếp vào chi phí được trừ của luật thuế thì: đây là chi phí theo kế toán, và sẽ được loại ra khi khỏi chi phí khi được trừ làm cơ sở tính thuế TNDN.

- Dưới 200,000 vnđ không bắt buộc phải lập hóa đơn: Bạn nhớ đọc kỹ quy định trong thông tư 153 theo Nghị định 51 của Chính phủ - Chương 3: Sử dụng Hóa đơn - Điều 16: Bán hàng hóa dịch vụ không phải lập hóa đơn: 

"1. Bán hàng hoá, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. "
=> Nếu vậy thì dù nghiệp vụ đó dưới 200,000đ thì vẫn phải xuất hóa đơn theo yêu cầu của người mua thì mới đúng quy định.

Friday, June 8, 2012

Hạch toán chi phí vào tài khoản nào?

1) Xem xét bản chất của chi phí:
    - Một người đã hỏi tôi: Chi phí vé máy bay hạch toán vô đâu? vô 641 hay 642?
    Câu hỏi kiểu này cho thấy người bạn này quá chú trọng vào những tài khoản kế toán (hình thức) mà không hiểu rằng nắm rõ bản chất của ngiệp vụ, nội dụng của chi phí mới là cơ sở đúng để biết nên hạch toán kế toán như thế nào, vào tài khoản gì.
    Bạn nên đặt câu hỏi để có được thông tin cần thiết: Chi phí đó là dùng cho phòng ban nào, hoạt động nào của công ty để biết là nên hạch toán vào nhóm tài khoản gì. Ví dụ: Không phải lúc nào chi phí công tác cũng là cho hoạt động bán hàng hoặc hoạt động quản lý, nó có thể là chi phí phục vụ cho hoạt động sản xuất.

2) Thời kỳ phát sinh của chi phí:
    - Theo nguyên tắc dồn tích, chi phí phải được ghi nhận khi nó phát sinh để phản ánh đúng thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi người kế toán không phải đợi đến khi thanh toán tiền hoặc nhìn thấy hóa đơn mới ghi nhận chi phí (đôi khi do nguyên nhân nào đó mà Hóa đơn chưa được chuyển đến Kế Toán), do vậy phải có sự tương tác với các đối tượng phòng ban liên quan để nắm bắt được các hoạt động đang diễn ra trong doanh nghiệp để theo dõi và ghi nhận chi phí.
    Việc theo dõi được chi phí phát sinh trong kỳ đòi hỏi hệ thống thông tin kế toán trong công ty được kết nối để cập nhật kịp thời chi phí phát sinh. Ví dụ: Phòng kinh doanh đi công tác, cuối tháng chưa về kịp hoặc chưa kịp quyết toán chi phí, để phản ánh đúng tình hình tài chính thì kế toán nên tạm hạch toán chi phí liên quan (căn cứ theo kế hoạch công tác), và điều chỉnh sau khi có quyết toán công tác.
   
3) Nhu cầu quản lý chi phí:
    - Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp cũng như nhu cầu quản lý riêng biệt, việc hạch toán chi phí có thể phải được ghi nhận vào đối tượng cụ thể liên quan: theo đơn hàng, theo hợp đồng, theo dự án, v.v...
    Việc theo dõi chi phí theo nhu cầu quản lý nhằm phục vụ cho việc đánh giá tính sinh lời của từng hoạt động trong doanh nghiệp theo những tiêu chí mà doanh nghiệp đó quan tâm. Cũng là cơ sở các nhà quản lý nắm rõ tình hình thực tế của từng hoạt động mà có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.

4) Ảnh hưởng bởi các quy định, pháp luật về thuế:
    Lợi nhuận kế toán và lợi nhuận theo cách tính của thuế có sự khác biệt xuất phát từ các quy định và văn bản pháp quy về thuế, nên việc xác định rõ mỗi khoản chi phí có đáp ứng quy định thuế liên quan hay không để xác định khoản thuế phải nộp chính xác cũng như cung cấp kịp thời thông tin cho cấp quản lý về khoản phí không không hợp lệ dùng làm cơ sở tính thuế, giúp cấp quản lý nắm được những ảnh hưởng tài chính.
    Đối với doanh nghiệp, thuế là một khoản chi phí nên việc các khoản chi phí không được dùng làm cơ sở để tính thuế TNDN sẽ làm tăng khoản thuế phải đóng. Việc này sẽ làm giảm lợi nhuận kế toán của doanh nghiệp hoặc gia tăng khoản lỗ kế toán.

Wednesday, June 6, 2012

Bút toán cuối kỳ

Theo những gì bạn được học, bạn đã đọc trong tài liệu, bạn được hướng dẫn thì các bạn đều nắm rõ các bút toán cuối kỳ gồm những bút toán kết chuyển giá thành, kết chuyển doanh thu, kết chuyển giá vốn, kết chuyển chi phí bán hàng và quản lý; về cơ bản, bạn đã nắm được nguyên tắc đối với bút toán cuối kỳ. Trong thực tế, đôi khi bạn sẽ có thể bỏ sót chi phí vì những dữ liệu mà bạn có là các chứng từ mà bạn thu thập được, hoàn toàn không phải là 1 bài tập kế toán cung cấp đầy đủ thông tin cho bạn biết được trong tháng đó có chi phí gì; đôi khi bạn sẽ hạch toán chi phí không đúng thời kỳ vì bạn đã không nắm rõ nội dung của nghiệp vụ mà đáng lẽ bạn phải thu thập thông tin từ phòng ban làm phát sinh chi phí đó. v.v...

Thực tế vẫn dựa trên nguyên tắc lý thuyết mà bạn đã được học, nhưng bạn phải biết áp dụng và vận dụng nó trên bản chất của sự vật/ hiện tượng thực tiễn diễn ra.

Các nội dung dưới đây không hướng dẫn bạn hạch toán chi phí như thế nào, tài khoản số mấy vào tài khoản số mấy, nợ hay có tài khoản nào, mà chỉ là những lưu ý trong quá trình bạn thực hiện bút toán cuối kỳ để tránh những thiếu sót vừa nêu ở trên, và những nội dung này đi theo trình tự để ra được kết quả:

1) Chi phí phát sinh trong kỳ:
Căn cứ cơ sở dồn tích của chuẩn mực kế toán, chi phí phải được ghi nhận vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu/ thực tê chi. Do đó nghiệp vụ liên quan khoản chi phí phát sinh thời điểm nào thì ghi nhận vào thời kỳ đó. Gồm cả những trường hợp sau:
- Chi phí đã phát sinh nhưng ngày hóa đơn thuộc kỳ kế toán sau, chưa thanh toán, chưa nhận được chứng từ. (ví dụ: hóa đơn tiền điện, hóa đơn điện thoại v.v...)
- Chi phí đã phát sinh nhưng ngày hóa đơn thuộc kỳ kế toán này, chưa thanh toán, chưa nhận được chứng từ.

Tài khoản chi phí gồm cả chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý.

Lưu ý: Để đảm bảo hạch toán đủ chi phí phát sinh trong kỳ như vậy có thể ảnh hưởng đến tính kịp thời, vì vậy có thể dùng phương pháp trích trước/ ước tính trong trường hợp không có được bất kỳ thông tin nào để làm cơ sở hạch toán.

2) Chi phí phân bổ/ Chi phí khấu hao:
- Chi phí phân bổ bao gồm: Phân bổ chi phí trả trước ngắn hạn (142) & Phân bổ chi phí trả trước dài hạn (242) => Căn cứ bảng tính phân bổ của từng loại chi phí trả trước (ngắn hạn/ dài hạn).

- Chi phí khấu hao: căn cứ nguyên tắc giá gốc để ghi nhận Nguyên giá & phương pháp khấu hao của từng tài sản để tính khấu hao cho kỳ kế toán (Xem chuẩn mực 03, 04 & Thông tư 89/2002/TT-BTC ngày 09/10/2002) => Căn cứ bảng tính khấu hao từng nhóm tài sản (Lưu ý: Phương pháp khấu hao của tài sản)

3) Kết chuyển giá thành SP/ dịch vụ:
Trên cơ sở chi phí phát sinh trong kỳ và chi phí phân bổ khấu hao được hạch toán, tập hợp chi phí sản xuất trong kỳ để tính giá thành sản phẩm dịch vụ.
- Việc tính giá thành tùy thuộc vào phương pháp tính giá thành & cơ sở đối tượng tính giá thành (sản phẩm/ dịch vụ/ dự án/ ...)
- Sau khi tính giá thành, lập bút toán kết chuyển liên quan: nhập kho thành phẩm/ bán thành phẩm/ sản phẩm dở dang/ chi phí dự án dỡ dang/ ....)

4) Kết chuyển doanh thu & các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu tài chính, thu nhập khác:
- Kết chuyển các tài khoản thuộc doanh thu & giảm trừ doanh thu vào tài khoản KQHĐ KD (911)
- Kết chuyển các tài khoản thuộc doanh thu tài chính, thu nhập khác vào tài khoản KQHĐ KD (911)

Lưu ý: Điều kiện ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực số 14 & Thông tư 89/2002/TT-BTC; riêng trường hợp có liên quan tỷ giá hối đoái, nghiên cứu thêm chuẩn mực số 10.

5) Kết chuyển giá vốn:
Theo nguyên tắc phù hợp, giá vốn được kết chuyển trong kỳ phải tương ứng với doanh thu được khi nhận, tức là những toàn bộ giá vốn liên quan việc hình thành nên sản phẩm/ dịch vụ để đạt được doanh thu trong kỳ đó.
Ví dụ: Công trình xây dựng thực hiện nhiều kỳ, thì khi ghi nhận giá vốn của khoản doanh thu trong kỳ (phần doanh thu này trên cơ sở biên bản nghiệm thu) sẽ tương ứng toàn bộ chi phí giá vốn của những hoạt động, những vật liệu thực hiện cho khối lượng được nghiệm thu.

6) Kết chuyển các chi phí bán hàng/ quản lý/ tài chính/ chi phí khác:
Trên cơ sở những chi phí hoạt động được ghi nhận trong kỳ, ta kết chuyển nó vào tài khoản KQHĐ KD

7) Thuế thu nhập doanh nghiệp: 
Dựa trên:
- Kết quả từ các bút toán kết chuyển doanh thu, giá vốn & chi phí hoạt động (A)
- Điều chỉnh doanh thu theo quy định thuế TNDN hiện hành (B)
- Loại trừ các khoản chi phí không được trừ theo quy định thuế TNDN hiện hành (C)
- Thuế suất thuế TNDN quy định & những ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng

8) Kết chuyển lãi/ lỗ: 
- Kết quả (A) - thuế TNDN (nếu có)

Tải 26 chuẩn mực qua link bên dưới:
http://ketoan.org/thu-vien/tong-hop-26-chuan-muc-ke-toan-viet-nam.html